Hydrogen xanh là một trong những nguồn nhiên liệu sạch, được xem là công nghệ hàng đầu trong các nỗ lực giảm khí thải cacbon trên phạm vi toàn cầu và tiềm năng cách mạng hóa ngành năng lượng. Tại Việt Nam, Hydrogen xanh được nhận định là một trong những giải pháp cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ đến năm 2050 sẽ phát thải ròng bằng 0.
Triển vọng phát triển hydrogen xanh
Hydrogen xanh một nguồn nhiên liệu sạch được sản xuất từ công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo – sẽ góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế. Hydrogen xanh dự kiến sẽ sử dụng trong các ngành công nghiệp vốn sử dụng nhiên liệu hydrogen xám hoặc lam như: Dầu khí, hóa chất, công nghiệp sản xuất thép và đặc biệt là giao thông vận tải.
Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam có lợi thế để phát triển hydrogen xanh vì có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là bờ biển dài với tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Nếu khai thác được nguồn năng lượng này để sản xuất hydrogen xanh thì đây chính là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 của Việt Nam vào năm 2050.
Việt Nam có tiềm năng phát triển hydrogen xanh để phục vụ cho nhu cầu trong nước và có thể xúc tiến xuất khẩu. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều dự án điện mặt trời và điện gió đã được đầu tư. Hiện nay, đã có những quốc gia chấp nhận mua hydrogen xanh với giá cao, do đó, việc phát triển nguồn năng lượng này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.
Ở Việt Nam, hydrogen hiện được sử dụng trong vai trò nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ở các ngành công nghiệp, trong đó được sử dụng nhiều nhất trong lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm và gang thép. Năm 2020, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Dầu khí, các nhà máy sản xuất phân đạm sử dụng khoảng 316 nghìn tấn hydrogen, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiêu thụ lần lượt là 39 nghìn tấn và 139 nghìn tấn/năm.
Việt Nam có nguồn hydrogen xám và lam, được sản xuất ngay tại các nhà máy bằng công nghệ nhiệt hóa nguồn khí tự nhiên từ các mỏ PM3-CAA, bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn, mỏ Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông, Đàn Đáy, Báo Vàng… Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam vẫn có đủ nguồn khí tự nhiên để sản xuất hydrogen xám và lam nhưng trong dài hạn thì sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn cung.
Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng. Nghiên cứu dựa trên tính toán các nhà máy điện mặt trời và điện gió, Viện Năng lượng Việt Nam và UNDP dự tính Việt Nam có triển vọng sản xuất được ít nhất 11,49 triệu tấn hydrogen xanh trong năm 2030; và đến năm 2050 có thể lên đến 18,78 triệu tấn. Hydrogen xanh sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng, giúp gia tăng độ linh hoạt của hệ thống điện, đồng thời có triển vọng cung cấp nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và vận tải.
Định hình tương lai phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam
Trên thế giới, hydrogen đã được xem là nguồn năng lượng không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 40 quốc gia ban hành Chiến lược quốc gia về hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp hydrogen.
Các quốc gia điển hình và đi đầu gồm EU, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Australia, Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đáng chú ý, EU tập trung phát triển hydrogen xanh và đặt mục tiêu đạt 13 – 14% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050. Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển hydrogen sạch, bao gồm cả hydrogen xanh và hydrogen lam, với mục tiêu đạt lần lượt là 10% và 33% cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2050.
Mới đây, Hoa Kỳ đã công bố chiến lược phát triển hydrogen với mục tiêu đạt 10 triệu tấn hydrogen sạch/năm vào năm 2030 để loại bỏ carbon trong các lĩnh vực sản xuất amoniac và lọc dầu và tăng lên 50 triệu tấn/năm để mở rộng phạm vi ứng dụng hydrogen vào năm 2050.
Còn tại Việt Nam, việc phát triển năng lượng hydrogen đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam cùng với các quốc gia khác trên thế giới, sẽ hướng tới nền kinh tế không phát thải Carbon vào năm 2050.
Theo đó, tại Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, sản xuất và sử dụng hydrogen được xem là giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng, với định hướng từng bước sử dụng hydrogen thay thế than trong công nghiệp luyện kim, trong các ngành dịch vụ, thương mại. Sử dụng hydrogen thay thế than cốc trong luyện thép “xanh” từ năm 2035.
Định hướng phát triển lĩnh vực hydrogen gần đây đã được nhấn mạnh trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023) và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023).
Theo đó, lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ được đẩy mạnh phát triển, kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ) để sản xuất năng lượng mới (hydrogen, ammoniac xanh) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước. Nhu cầu sử dụng hydrogen và các sản phẩm gốc hydrogen cũng được xem xét, tính toán trong kịch bản phát triển tổng thể năng lượng Việt Nam.
Tại diễn đàn cấp cao với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng Hydrogen xanh tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Hydrogen xanh đã nổi lên như một giải pháp nổi bật trong tiến trình theo đuổi một “tương lai xanh”. Đây là giải pháp hứa hẹn mang lại cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nâng cao giá trị của năng lượng tái tạo, áp dụng vào nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh và trong cả đời sống xã hội. Phát triển Hydrogen xanh được xem là cấp thiết trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu tại Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD đóng góp vào tổng GDP quốc gia năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm cho thị trường nội địa. Hydrogen xanh còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu đến các nước phát triển, là nhân tố chính thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam./.